Câu chuyện phía sau biểu tượng của các hãng ôtô
Logo ngựa chồm của hãng Italy Ferrari tương tự với biểu tượng của Porsche có nguồn gốc từ nước Đức,
chữ Ford trên logo không phải chữ ký của nhà sáng lập.
Acura
Acura là hãng xe sang của Honda, ra mắt năm 1986 tại thị trường Mỹ và Canada. Nhiều người cho rằng logo Acura giống chữ A, tương tự kiểu cách điệu chữ H trong logo Honda. Nhưng thưc tế logo Acura là cách điệu của thước kẹp kiểu com pa, ý nói sự tinh tế, tỉ mỉ, chính xác.
 
Abarth
Con bọ cạp biểu tượng cho cung Hổ Cáp, cung hoàng đạo của nhà sáng lập Carlo Abarth (1908-1979). Phía trên cùng là cờ Italy, và phần màu đỏ trên logo là màu của đội đua Italy. Abarth ngày nay là nhánh phụ của thương hiệu ôtô thể thao Fiat.
 
Alfa Romeo
Alfa là từ viết tắt của Anonima Lombarda Fabbrica Automobili, còn Romeo là họ của Nicola Romeo (1876-1938), doanh nhân đã mua công ty này năm 1915. Chữ thập màu đỏ bên trái logo là biểu tượng của Milan, còn bên phải là con rắn lục viper đầu đội vương miện đang nuốt một người Moor (nhóm người từ Bắc Phi theo đạo Hồi đã chinh phục và xâm chiếm bán đảo Iberia và nhiều hòn đảo ở Đông Địa Trung Hải trong thời trung cổ), đây là huy hiệu của nhà Visconti, gia đình quý tộc đã cai trị Milan trong lịch sử.
 
Alpina
Cái tên Alpina bắt nguồn từ phân xưởng đầu tiên của công ty này (khi đó sản xuất máy đánh chữ) dưới chân dãy Alps. Hình tượng trên logo là bộ chế hoà khí Weber – bộ phận khởi đầu cho mối quan hệ khăng khít của Alpina với BMW – và một chiếc trục khuỷu.
 
Aston Martin
Nửa sau của cái tên là tên của một trong những nhà đồng sáng lập công ty, Lionel Martin, và nửa đầu là tên của cuộc đua leo núi Aston Hill Climb mà ông đã chiến thắng. Biểu tượng “đôi cánh” được chọn năm 1927 tượng trưng cho tốc độ, và được cho là lấy cảm hứng từ “chữ B có cánh” của Bentley.
Audi
Nhà sáng lập August Horch (1868-1951) rời khỏi công ty được đặt theo tên ông và không thể tái sử dụng cái tên này cho công ty mới của mình. Con trai ông đã gợi ý cái tên “Audi”: “Horch” trong tiếng Đức nghĩa là “nghe” và “audi” trong tiếng Latin cũng có ý nghĩa tương tự. Logo của Audi bắt nguồn từ logo của Auto Union, liên doanh của bốn thương hiệu Audi, DKW, Horch và Wanderer. Các vòng tròn, đại diện cho mỗi thương hiệu, chồng lên nhau nhằm biểu thị sự liên kết. Màu bạc của các vòng tròn cũng là màu của đội đua Đức.
Bentley
Bentley lúc đầu chế tạo động cơ máy bay trong Thế chiến I, vì vậy cũng dễ hiểu khi logo có biểu tượng đôi cánh. Màu bạc của logo tượng trưng cho sự tinh tế. Số lông vũ ở mỗi bên cánh không đều nhau, và khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Biểu tượng Bentley do Frederick Gordon Crosby (1885-1943) thiết kế, ông cũng từng làm việc cho Autocar trong vai trò hoạ sĩ vẽ minh hoạ và phác hoạ trong gần 30 năm.
BMW
BMW là từ viết tắt các chữ cái đầu của tên hãng ôtô trong tiếng Đức Bayerische Motoren Werke, nghĩa là Nhà máy Ôtô Bavaria. Vòng tròn màu đen ở ngoài có nguồn gốc từ logo của công ty tiền thân của BMW, Rapp, còn màu xanh lam và trắng trong vòng tròn kẻ ca-rô biểu tượng cho cờ của vùng Bavaria.
Borgward
Chính thức được thành lập vào cuối những năm 1800, Borgward ngừng sản xuất vào những năm 1960 trước khi được Christian Borgward, cháu trai của Carl Borgward, nhà sáng lập hãng xe, khôi phục (với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư Trung Quốc) vào thế kỷ 21. Logo hãng xe có hình kim cương gồm các hình tam giác đỏ và trắng giống trên cờ của Bremen, thành ở ở Đức nơi công ty được sáng lập.
Bugatti
Hoạ tiết bên trong hình oval biểu thị tên viết tắt của nhà sáng lập hãng xe, Ettore Bugatti (1881-1947). 60 chấm tròn xung quanh viền của hình oval đỏ có hai lai lịch không liên quan đến nhau, hoặc là những viên ngọc trai biểu thị cho sự vương giả, hoặc các bu lông có dây khoá mà Bugatti sử dụng trên động cơ ôtô do chúng không có các vòng đệm hãm.
Buick
Hãng xe được đặt theo tên nhà sáng lập gốc Scotland David Buick (1854-1929). Logo ban đầu của Buick chỉ là các từ Buick viết theo các phong cách khác nhau. Năm 1938 hãng mẹ General Motors muốn nhấn mạnh vị thế của hãng xe chỉ là cấp thấp hơn của Cadillac, và ra mắt logo hình khiên, dựa trên phù hiệu của nhà Buik cổ xưa ở Scotland (“Buick” có nguồn gốc từ dòng họ này), kết hợp với hình con hươu và chữ thập. Hình ba chiếc khiên xuất hiện năm 1959 để đánh dấu sự ra đời của ba mẫu xe mới: LeSabre, Invicta và Electra. Năm 1975 Buick chọn biểu tượng chim ưng thay cho logo chính dù biểu tượng hình khiên vẫn xuất hiện ở một số đầu xe. Ngày nay, logo Buick đã được đơn giản hoá nhưng vẫn thể hiện màu đỏ, trắng và xanh lam của nhà Buik, tuy nhiên màu trắng nay được đại diện bằng màu bạc nhằm nhấn mạnh vị thế hạng sang của thương hiệu.
Cadillac
Tên gọi Cadillac bắt nguồn từ người thành lập ra thành phố Detroit, nhà thám hiểm người Pháp Antoine Laumet de la Mothe (1658-1730), người tự phong cho mình tước hiệu sir của Cadillac. Logo khó hiểu của hãng này có nguồn gốc từ chiếc phù hiệu giả của ông, được chế tạo dựa trên huy hiệu thật của người hàng xóm cũ, nam tước xứ Lamothe-Bardigues. Khởi đầu, logo Cadillac gồm 6 hình con chim nhạn không chân, nhưng sau đó được thay thế bằng các góc một phần tư màu vàng với vạch ngang màu đen vào năm 2000.
Chevrolet
Logo hình thắt nơ nổi tiếng của Chevrolet được ra mắt sau hai năm thành lập công ty. Logo này lấy cảm hứng từ một thiết kế mà nhà sáng lập gốc Thuỵ Sỹ Louis Chevrolet (1878-1941) nhìn thấy trong một quảng cáo trên báo địa phương, có thể là của công ty khai thác than Coalettes.
Chrysler
Logo đôi cánh nổi tiếng của Chrysler đã được lặp đi lặp lại qua nhiều năm nhưng ban đầu được thiết kế bởi giám đốc thiết kế Oliver Clark của hãng xe. Thiết kế này có hình một con dấu sáp đè lên đôi cánh bạc, với dụng ý biểu thị chất lượng xe của Chrysler. Vào những năm 1940 thiết kế này được thay đổi cùng biểu tượng hình khiên, trước khi trở lại với thiết kế tương tự bản gốc. Mặc dù biểu tượng con dấu sáp không còn, đôi cánh bạc vẫn hiện diện.
Citroën
Năm 1901, nhà sáng lập công ty André Citroën (1878-1935) tới Ba Lan, nơi ông mua bằng sáng chế cho bánh răng phay rãnh xoắn kép. Hai vạch hình chữ V ngược tượng trưng cho hai bánh răng đối diện nhau trong khớp bánh răng.
Dodge
Phần đầu của Ram khá tương đồng với thương hiệu xe Dodge nay chỉ xuất hiện trên các xe tải mới thuộc nhánh phụ của Ram, nhánh này đã tách ra độc lập vào 2010. Hiện nay, Dodge mang logo đơn giản hơn và sáng loáng hơn rất nhiều do kết hợp giữa vài sắc thái màu bạc và đỏ. Hai tông màu bạc đại diện cho vẻ cao quý, phẩm giá và sự tinh tế, trong khi hai vạch nghiêng màu đỏ tượng trưng cho sự đam mê và kích động.
Ferrari
Trên đỉnh logo là cờ Italy. Phía dưới là một chiếc khiên màu vàng, màu của thành phố Modena. Các chữ cái “SF” là viết tắt của Scuderia Ferrari (nghĩa là Đội Ferrari), và một chú ngựa ô đang nhảy dựng lên hướng về bên trái. Enzo Ferrari đã chọn logo này sau khi gặp một bá tước có con trai, Francesco Baracca, là một phi công chiến đấu trong Thế chiến I. Con ngựa được sơn trên thân máy bay của anh. Mẹ của Baracca nói Ferrari có thể sử dụng hình con ngựa cho ôtô của ông như một sự may mắn. Người phi công này được cho là đã lấy hình chú ngựa này từ máy bay của một phi công Đức, người đã bị anh bắn hạ, từ Stuttgart. Cho nên hình ảnh con ngựa trên Ferrari tương đồng một cách kỳ lạ với con ngựa trên logo của Porsche, một trong những đối thủ lớn nhất của hãng xe Italy.
Ford
Logo hình oval màu xanh quen thuộc của Ford được sử dụng lần đầu tiên năm 1927. Nhưng chữ trên logo đã được sử dụng từ sớm hơn rất nhiều so với lịch sử hãng xe, vào những năm 1900. Trái với lòng tin thông thường, chữ “Ford” trên logo không có nguồn gốc từ chữ ký của nhà sáng lập Henry Ford (1863-1947), mặc dù hãng này đã lập lờ đánh lận con đen hàng năm qua với chiêu marketing thỉnh thoảng lại xác nhận đây là chữ ký của ông trên mọi chiếc Ford. Hãng này đã dự tính hiện đại hoá logo vào những năm 1960, nhưng thay đổi kế hoạch. Như một phần của quá trình nâng khoản vay 23 tỷ USD nhằm hỗ trợ hãng xe tái cấu trúc năm 2006, Ford đã cầm cố logo này như một vật thế chấp.
Honda
Honda thành lập năm 1984 bởi Soichiro Honda – một kỹ sư, nhà sáng chế và tay đua xe. Logo của hãng có thể dễ nhận thấy là một chữ H cách điệu. Chữ H này có phần dưới hẹp, phần trên rộng, biểu hiện cho sự vươn lên phía trước.
Hyundai
Mặc dù trông như logo Honda in nghiêng, logo của Hyundai có cả một câu chuyện phía sau. Nó có ý nghĩa như một cái bắt tay đầy tin tưởng được cách điệu hoá giữa hai người, ngụ ý giữa công ty và người tiêu dùng, với phần nghiêng về phía công ty.
Infiniti
Logo của thương hiệu hạng sang của Nissan được diễn giải theo hai cách chính thức, cả hai đều tập trung vào hình tam giác hướng lên trên. Cách hiểu thứ nhất, đó là một cao tốc, hướng tới tương lai – tương xứng với tên mã “Horizon” của hãng này khi đang trong giai đoạn phát triển. Cách hiểu thứ hai đó là logo biểu thị cho ngọn núi nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đỉnh Phú Sĩ, đại diện cho quốc gia của thương hiệu này và là đỉnh cao nhất của chất lượng.
Jaguar
Jaguar ban đầu được gọi là SS Cars, nhưng được đổi tên vào cuối Thế chiến II do mối liên quan tiêu cực với tổ chức cùng tên của Đức quốc xã. Tên Jaguar được đặt theo tên mẫu SS cũ và con báo đốm đang chồm lên biểu tượng cho sự uyển chuyển và tiến về phía trước.
Kia
Kia được ghép từ chữ Ki và A trong tiếng Hàn Quốc. Trong đó, chữ Ki phiên âm từ chữ tượng hình có nghĩa là vươn lên, vươn xa, trong khi A đại diện cho Asia – châu Á. Ý nói Kia là vươn ra khỏi châu Á. Logo hãng dễ hiểu, gợi nhớ ngay lập tức bởi đơn giản là viết lại tên.
Chia sẻ bài viết: 

Tags:

Vì sao chọn Chúng tôi?
Uy tín thương hiệu luôn được đặt lên hàng đầu...

Hệ thống Nhà xưởng
Hệ thống nhà xưởng quy mô, máy móc hiện đại. Tạo ra được các sản phẩm cửa tinh tế và chuẩn xác.

Đội ngũ Kỹ thuật
Đội ngũ Công nhân tay nghề cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề...

Đặt hàng ngay
Hãy gọi ngay: 0977.68.55.66 Nhân viên của Chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết cho Bạn.

Hãy gọi cho Chúng tôi để được tư vấn 0977.68.55.66